Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản

Doanh nghiệp, sàn môi giới “ôm hàng” tạo sóng
Chia sẻ tại Hội Thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản đã chứng kiến hiện tượng tăng giá ở một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay.

Trong đó, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” tại một số phân khúc bất động sản. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngoài ra, thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch, dẫn đến tình trạng thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua; hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thổi giá, gây sốt ảo bất động sản.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ, còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.

Cũng ghi nhận tình trạng trên, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, ngoài khan hiếm nguồn cung và luật lệ chồng chéo, giá bất động sản tăng cao còn do có rất nhiều doanh nghiệp có hiện tượng mua gom và đầu cơ dự án.

Vị chuyên gia cho biết, có nhiều quan điểm rằng, đây là thời điểm tốt để mua gom bất động sản, nên rất nhiều doanh nghiệp lớn thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng.

Kiểm soát chặt tín dụng
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thực trạng này đã dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro. Cụ thể, nhiều tập đoàn lớn nhưng âm dòng tiền nhiều năm nay song họ lại không hề lo lắng vì mục đích của họ là đầu cơ dự án.

Hậu quả là “tiếng kêu” về giá bất động sản trong nhiều năm trở lại đây rất nhiều. Nhiều người trẻ nghĩ 1,5 tỷ đồng có thể mua được một căn chung cư “ngoài vành đai”, cách xa trung tâm, nhưng giá thực tế có thể đã lên đến 2,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, về phía thị trường, Bộ Xây dựng cũng cho biết hiện tại, cơ cấu sản phẩm vẫn còn tình trạng dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu hụt lớn ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở giá hợp lý cho các đối tượng thu nhập thấp. Giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, để giải quyết các khó khăn của thị trường bất động sản, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ những chồng chéo, vướng mắc về thủ tục pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Với các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, ông TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng để ổn định thị trường giao dịch bất động sản, cần công bố thông tin dữ liệu về các dự án bất động sản được chấp thuận đầu tư, kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất đai tại địa phương, dự án được phép giao dịch trên thị trường, biến động giá bất động sản…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *